Kinh nghiệm mua Laptop cho sinh viên
Đầu tiên, đừng mua laptop cấu hình cao
Với các nhóm ngành này thì một chiếc laptop cấu hình cao là cực kì thừa thãi. Các bạn chỉ cần máy chạy tốt các phần mềm văn phòng đơn giản như word, excel, trình chiếu, lướt web hay cùng lắm là photoshop đơn giản. Với sự xuất hiện của chip U đời 8 trở lên, các ultrabook hiện này hoàn toàn có thể đáp ứng được các tác vụ này với một mức giá khá yêu thương. Các bạn thậm chí có thể chơi được game nhẹ như LoL, FO4, PUBG mobile…
Tham gia kênh Telegram của AnonyViet 👉 Link 👈 |
Thứ 2. Chọn Ultrabook mỏng nhẹ.
Đã mua laptop thì hầu hết người dùng không chỉ hướng đến hiệu quả sử dụng mà còn là tính tiện lợi. Với nhóm sinh viên không yêu cầu quá cao về cấu hình, những chiếc ultrabook mỏng nhẹ là hoàn toàn phù hợp. Thử tưởng tượng việc sáng dậy vác 1 chiếc laptop gần 3 cân đến trường, xách qua xách lại giữa các giảng đường, chiều mang đến chỗ thực tập rồi tối lại mang đến chỗ làm thêm vì không kịp về cất thì nó khổ sở đến thế nào?
Thứ 3. Chọn màn hình đẹp.
Cùng tiếp tục tưởng tượng 1 ngày đẹp trời, bạn cần mượn tài liệu của bạn bè để làm slide thuyết trình. Họ gửi cho bạn 1 đống ảnh chụp tài liệu nhưng có dí sát mắt vào màn hình bạn cũng không đọc được vì độ phân giải quá tệ. Hoặc 1 ngày khác bạn chụp được 1 bức ảnh seo phì cực đẹp, định cho lên photoshop chỉnh để set avatar. Đến khi đăng lên tất cả mọi người vào chê môi gì mà thâm thế, da gì mà xanh thế? Bạn mở điện thoại lên xem thì đúng như mọi người nói thật và lý do là màn hình của bạn sai màu. Vì vậy khi mua 1 chiếc laptop thì tốt nhất nên chọn máy có màn hình full HD (hoặc ít nhất là HD nếu kích cỡ màn hình nhỏ) và nên đạt độ chuẩn màu cao.
Thứ 4. Thời lượng pin.
Không biết trường các bạn có cùi bắp như trường tôi ngày xưa không nhưng thời đi học, giảng đường nào của trường tôi cũng hơn 100 sinh viên nhưng cùng lắm cũng chỉ 10 ổ điện cho cả sinh viên và giảng viên. Vì vậy các bạn nên chọn những laptop pin trâu để ngồi cười vào mặt bọn tranh nhau mấy cái ổ điện
Ngoài ra thì các bạn cũng nên chú ý đến các yếu tố khác như bàn phím, touchpad dùng có thích không, cổng kết nối có đủ cho mình dùng không, có nâng được RAM và SSD không nếu nhu cầu sau này của bạn có tăng thêm…
Hiện nay các laptop như trên thường có giá trong khoảng 10-15 triệu. Nhưng nếu không có nhiều tiền thì các bạn hoàn toàn có thể mua máy cũ, máy lướt miễn sao còn bảo hành lâu là được.
Mẹo chọn mua laptop cho sinh viên nhóm ngành thiết kế đồ họa
Đầu tiên, xác định mình sẽ học cái gì.
Như đã nói ở trên, đây là 1 ngành khá rộng và yêu cầu laptop có tiêu chí khác nhau. Khi muốn mua máy tính, trang web đầu tiên mà bạn cần vào không phải là 1 trang bán laptop nào đó mà là mục chương trình đào tạo trong website trường bạn. Ở đó bạn sẽ tìm thấy những môn học và biết được phần mềm cần có khi học những môn đó. Nếu chưa rõ thì các bạn hãy tìm đến giảng viên trong khoa, cố vấn học tập hoặc các anh chị khóa trước để hỏi.
Việc xác định những phần mềm cần sử dụng trong quá trình học sẽ giúp các bạn không cần lên mạng đọc những bài tư vấn chung chung rồi đổ một đống tiền vào những laptop siêu mạnh, vừa đắt mà quá thừa thãi cho việc học của bạn hoặc những laptop quá yếu đến mức bạn vừa vẽ 1 chi tiết thì treo máy luôn.
Sau khi đã xác định được những phần mềm bạn cần dùng cho các môn học, hay lên mạng search cấu hình đề nghị cho các phần mềm đó. Tốt nhất vẫn là xem ở phần download trên trang chủ của nhà phát hành. Tuy nhiên nếu không tìm thấy thì các bạn có thể xem trên trang khác cũng được.
Thứ 2, xác định cấu hình phù hợp.
Sau khi đã biết mình cần sử dụng những phần mềm nào và có cấu hình đề nghị cho các phần mềm đó, các bạn phải phân loại xem phần mềm nào sẽ được sử dụng thường xuyên nhất, phần mềm nào chỉ mang tính bổ trợ, ít được sử dụng. Từ đó xác định cấu hình của laptop cần mua sẽ phải chạy tốt các ứng dụng thường xuyên sử dụng và chạy được các ứng dụng bổ trợ.
Ví dụ như tôi học ngành báo và tôi xác định sẽ theo chuyên ngành báo điện tử. Phần mềm tôi cần sử dụng thường xuyên sẽ là Word, Photoshop và Lightroom. Ngoài ra thỉnh thoảng tôi cần sử dụng Premiere Pro và Illustrator trong 1 số trường hợp đặc biệt. Như vậy tôi sẽ cần 1 laptop chạy mượt Word, Photoshop, Lightroom và chạy được Premiere Pro, Illustrator. Laptop như vậy sẽ cần có cấu hình cao hơn hoặc bằng cấu hình đề nghị của Word, Photoshop, Lightroom tức là có ít nhất 8GB RAM, chip Intel i3 4 nhân, card đồ họa 2GB VRAM và màn hình HD.
Ngoài ra laptop tôi cần sẽ phải chạy được Premiere Pro và Illustrator nên nó sẽ phải có cấu hình cao hơn hoặc bằng cấu hình tối thiểu để chạy 2 phần mềm này. Ngoài những tiêu chí bên trên thì tôi thấy Premiere Pro cần có chip thế hệ 6 trở lên và sử dụng hệ điều hành Windows 10 64-bit. Như vậy chiếc máy phù hợp cho ngành học của tôi sẽ có cấu hình thấp nhất là chip Intel Core i3-6xxx 4 nhân, 8GB RAM, card đồ họa 2GB VRAM, có màn hình HD và chạy Windows 10 64-bit. Với cấu hình này thì các bạn chỉ cần bỏ ra khoảng trên 10 triệu là đã có thể mua được rồi. Ví dụ như con Lenovo Ideapad 330 chỉ tầm chưa đến 12 triệu mà chip mạnh hơn hẳn so với nhu cầu đưa ra.
Ví dụ hơi khập khiễng vì nghe tên ngành nó không thiết kế lắm nhưng mà thôi thì cũng động đến Photoshop, Illustrator nên các bạn hiểu nôm na là thế nhé :))
Trước hết các bạn cần hiểu rằng với thiết kế 2D thì card Quadro không giúp ích quá nhiều. Mọi điểm nổi trội của Quadro đều nằm ở tính đa nhiệm, tối ưu cho render 3D, vẽ chi tiết máy. Vì vậy việc đầu tư máy trạm workstation là điều nên tránh. Các bạn có thể mua những chiếc ultrabook mỏng nhẹ nhưng hiệu năng không quá yếu hoặc laptop gaming đều được. Nếu vẫn còn thừa tiền thì các bạn có thể cân nhắc đầu tư thêm vào các yếu tố sau.
Đầu tiên. RAM càng nhiều càng tốt.
Nếu các bạn đã tìm hiểu về máy tính thì sẽ biết rằng RAM chính là không gian làm việc của chúng ta. RAM lớn sẽ giúp chúng ta làm việc thoải mái hơn, các ứng dụng hoạt động mượt mà, trơn tru hơn.
Tuy nhiên đi sâu hơn chúng ta sẽ thấy cơ chế Shared memory của card màn hình. Với một số chip Intel đời 8 trở lên, card onboard đã có đủ sức mạnh để xử lý các tác vụ đồ họa như photoshop, Illustrator. Vì vậy nếu muốn một chiếc laptop mỏng nhẹ để tiện mang đi học thì các bạn có thể mua loại không có card rời cũng được. Tuy nhiên những chiếc card onboard này sẽ không có VRAM như card rời. Vì thế chúng nhận 1 phần Shared memory từ chính RAM của bạn (tối đa là 1 nửa số RAM bạn có).
Hiện nay trên card rời mình cũng thấy hiển thị thông số Shared memory nhưng vì chưa tìm được nguồn thông tin chính xác và cũng chưa test được nên mình sẽ không nói sâu hơn. Đại khái thì các bạn nên đầu tư càng nhiều RAM càng tốt.
Thứ 2. chip càng nhiều nhân, nhiều luồng càng tốt.
Hầu hết các phần mềm thiết kế đều cần hệ thống xử lý được đa nhiệm nên các bạn nên chọn những con chip 4 nhân 8 luồng chứ không cần phải có xung nhịp quá cao làm gì. Hầu hết các chip đời 8 bây giờ đều có 4 nhân vật lý nên đó sẽ là lựa chọn phù hợp cho các bạn. Tuy nhiên nếu các bạn chọn chip U thì nên chọn loại có xung nhịp cao hơn xung nhịp ở cấu hình đề nghị 1 chút để nếu máy bị nóng trong khi sử dụng dẫn đến tụt xung thì vẫn dùng mượt được các ứng dụng.
Thứ 3. màn hình to, đẹp.
Màn hình lớn sẽ giúp các bạn có không gian làm việc thoải mái hơn, nhìn rõ hơn các chi tiết trong bản thiết kế của mình. Ngoài ra 1 số phần mềm yêu cầu chia rất nhiều phân vùng làm việc. Nếu làm trên 1 laptop màn 13 inch thì mọi thứ sẽ hiển thị rất nhỏ hoặc không hiển thị hết, gây khó chịu và tốn thời gian của bạn rất nhiều. Các bạn nên chọn những chiếc máy có màn 15.6 inch là vừa đủ.
Màn hình đẹp ở đây mình muốn nhắc đến là những màn hình FullHD có độ chuẩn màu cao. Cái này có lẽ bạn nào làm thiết kế hoặc chỉnh ảnh nhiều thì đều biết. Sử dụng màn hình độ phân giải thấp đôi khi sẽ khiến chúng ta lầm tưởng bản vẽ, bức ảnh của mình không nét, bị rỗ và nhiều răng cưa nhưng thực tế là do màn hình hiển thị chứ không phải lỗi do phần mềm hay người làm. Màu sắc trong thiết kế thì càng quan trọng nên màn hình chuẩn màu chắc mình không cần nói thêm :))
Thứ 4. trang bị 2 ổ cứng song song.
Việc trang bị cho laptop 1 chiếc SSD để tăng tốc độ làm việc giờ đây đã trở thành điều hiển nhiên rồi. Tuy nhiên với ngành này, nhu cầu lưu trữ dữ liệu khá lớn. Ngoài 1 ổ SSD 128GB – 256GB thì các bạn cũng nên có thêm 1 ổ HDD 500GB trở lên.
Thứ 5. pin tương đối trâu.
Dù gì thì không phải giảng đường nào cũng có đủ ổ cắm cho tất cả mọi người. Khi làm các tác vụ đồ họa thì thường pin sẽ tốn hơn nên thời gian sử dụng thực tế sẽ giảm đáng kể. Các bạn nên chọn pin có thời gian hoạt động khoảng 5-6 tiếng trở lên là vừa.
5 tiêu chí trên mình sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nên còn bao nhiều tiền thì các bạn cứ đọc từ trên xuống mà đầu tư. Tuy nhiên nhớ cân đối chứ đừng dồn cả về 1 tiêu chí mà lại thành thừa nhé.
Cuối cùng là 1 số máy gợi ý để các bạn tham khảo.
Các bạn không có điều kiện có thể cân nhắc đến chiếc Dell E6540 bản i7, card Radeon HD 8790M có giá dưới 10 triệu. Máy có ngoại hình khá dễ chịu, cấu hình chuyên dùng cho các tác vụ thiết kế đồ họa.
Nếu dư giả hơn, các bạn cũng có thể cân nhắc đến các dòng máy không chuyên về thiết kế nhưng sở hữu cấu hình đủ mạnh để thực hiện các tác vụ này. Mỏng, nhẹ, đẹp thì có 1 số máy sở hữu chip i5 thế hệ 8 mới ra hoặc dòng Asus A412/A512 mà mình giới thiệu tuần trước. Dù hiệu năng không quá mạnh nhưng các laptop này đủ sức phục vụ công việc học thiết kế 2D. Nếu muốn chơi game thì các bạn có thể chọn các máy gaming giá rẻ như Dell 7559, Asus F560UD, Ideapad L340. Các máy này đều có card rời đủ mạnh để vừa chơi game, vừa chạy các phần mềm thiết kế và kiểu dáng cũng không quá hầm hố khiến các bạn ngại mang đi học.
Mẹo riêng cho sinh viên ngành đồ họa 3D, kiến trúc
Đầu tiên chúng ta đặt vấn đề như sau: học kiến trúc là sử dụng các phần mềm autocad, sketchup, revit, 3dsmax để dựng hình. Sau đó dung Vray, lumion để render. Cuối cùng dùng photoshop để hậu kỳ dàn trang. Để đạt hiệu quả trong các tác vụ này, cần các dòng laptop CẤU HÌNH CAO, TẢN NHIỆT KHỎE. Vì thế các dòng máy sử dụng tốt cho công việc này sẽ to, dày, nặng. Có chăng chỉ là máy nào nhẹ hơn máy nào thôi chứ không nên chọn máy văn phòng mỏng nhẹ.
Nên đầu tư bao nhiêu
Theo như mình thấy thì phần đông những người theo ngành này dù năm nhất có mua máy gì đi chăng nữa thì đến khi tốt nghiệp học vẫn có máy bàn. :)) Lúc mới đầu có thể nhiều bạn nghĩ là kiểu “Ui xồi ôi tiền thiếu gì đâu cứ kiếm con nào 50 củ mà quất là izi hết”. Nhưng không. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ hiện nay do các hãng liên tục cạnh tranh nhau thì một chiếc laptop giữ vị thế trong 5 năm liên tục là rất khó. Càng lún vào công nghệ các bạn lại càng muốn có chiếc máy xịn nhất. Nhưng sau khi tốt nghiệp máy của bạn đã không thể so với những chiếc máy bàn bằng nửa giá hoặc thấp hơn nữa rồi. Chưa kể việc nâng cấp laptop là cực kỳ khó khăn so với máy bàn.
Thế nhưng nếu bạn buộc phải mua laptop thì đầu tư một chiếc tầm 20-30 triệu là có thể dùng trong 4-5 năm thoải mái, thậm chí đi làm vẫn dùng được nhưng không gánh được quá nhiều plugin chuyên nghiệp thôi. Ít tiền thì trên 15 triệu cũng có nhưng hơi cũ khó dùng được lâu dài.
Chọn cấu hình như thế nào
Về CPU, các bạn nên chọn dòng chip H i5, i7 đời 6 trở lên. Các chip này thường có xung nhịp cao và số nhân thực lớn, rất hiệu quả cho việc render. Nếu chọn chip i7 đời 3,4 thì cũng vẫn làm được nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều và có thể không đáp ứng được phiên bản mới nhất của một số phần mềm các bạn hay sử dụng. Còn nếu chọn chip H đời 8,9 thì cực kỳ thoải mái. Chip i5 đời 8 kiểu như i5-8300H có sức mạnh còn nhỉnh hơn i7-7700HQ mà giá lại khá mềm
Về GPU thì có khá nhiều ý kiến khác nhau mà ông nào cũng có lý của riêng mình. Có nhiều ông thích dùng GTX vì cùng giá tiền thì GTX luôn cho hiệu năng cao hơn; trên thị trường có rất nhiều máy dùng GTX để chúng ta thoải mái lựa chọn; ngoài ra thì hiện tại các phần mềm kiến trúc hỗ trợ nền dx11 cả rồi. Dù vậy thì vẫn không thể phủ nhận Quadro vẫn là thứ card sinh ra để làm đồ họa 3D, vẽ phối cảnh công trình, kiến trúc.
Tôi đã thử xem rất nhiều bài test thì Quadro khi được thực hiện đúng chức năng của mình luôn hoạt động hiệu quả hơn GTX. Có rất nhiều bài viết và video phân biệt cũng như test hiệu năng 2 loại card này các bạn có thể tìm thử để đưa ra quyết định cho mình. Nếu chọn card Quadro thì các bạn cần để ý tên card bắt đầu bằng chữ gì. Thường thì các bạn sẽ thấy một số máy workstation có card M1000M hoặc K2000M. K là viết tắt của Kepler, lại card này khá cũ rồi, thường có ở M4800 hay Thinkpad W541…
Nếu khó khăn quá thì chấp nhận dùng tạm thôi chứ có tiền thì nên dùng loại card M viết tắt của Maxwell. Loại card này mới hơn và có hiệu năng cao hơn rất nhiều. Ngoài ra thì cũng có dòng P viết tắt của Pascal nhưng thường đắt. Chọn GTX thì cứ càng nhiều tiền càng khỏe thôi nhưng từ 1050Ti trở lên là dùng được rồi.
RAM là thứ dễ nâng cấp nên tùy thuộc vào tình hình tài chính có thể chọn máy có RAM 8Gb và có khả năng nâng cấp. Năm nhất năm hai thì chừng đó là đủ để các bạn học các thứ cơ bản của phần mềm. Sau này cày tiền mua thêm thanh RAM 8Gb nữa lên 16Gb là thoải mái cân các loại plugin hỗ trợ chuyên nghiệp.
Ổ cứng thì chắc chắn phải có SSD tầm 256Gb để cài win và phần mềm vào đó. Sau đó nếu lưu trữ nhiều thì gắn thêm 1 ổ HDD 500Gb hay 1Tb cũng được tùy theo nhu cầu lưu trữ của bạn.
Ngoài ra thì các bạn cũng nên chọn máy có màn hình 15,6 Inch fullHD, tấm nền IPS để có không gian làm việc thoải mái và độ chuẩn màu cao. Tản nhiệt cũng cần có 2 quạt và hoạt động tốt để tránh giảm hiệu năng trong quá trình sử dụng.
Một số lựa chọn
Nếu các bạn không chơi game mà chỉ học rồi muốn có máy đủ khỏe để sau này mang đi làm thì mình nghĩ nên mua workstation. Một số máy khá đáng mua có thể kể đến như Dell 7510, 7710. Ít tiền hơn thì có Dell M4800, M6800 nhưng card của nó là đầu K, hơi cũ rồi. HP có dòng Zbook 15 khá ngon. Con Zbook 15 G3 khỏe ngang ngửa với Dell 7510 mà rẻ hơn chút, lại đẹp nữa. Rẻ hơn cũng có Elitebook 8570W nhưng giống như M4800 thì nó đã quá cũ rồi. Thinkpad thì có W540, W541. Có dòng P hay X1 Extreme nhưng siêu đắt luôn :))
Còn nếu các bạn cần một chiếc máy có thể học tập được sau những giờ chơi game căng thẳng thì có thể chọn các máy gaming. Máy gaming bây giờ khá chắp vá. Các nhà sản xuất cứ kiếm được đồ ngon mà rẻ là cho hết vào nên các bạn có rất nhiều lựa chọn ở nhiều tầm giá. Nên đi hỏi mọi người review xem ngoài hiệu năng khỏe thì tản nhiệt có tốt không, vỏ nhựa hay sợi carbon, màn hình có tốt không…
Một số người thường nói là thiết kế hay dùng Mac nhưng đó là vẽ vời 2D thôi. Các tác vụ các bạn sẽ làm khá nặng nên Mac hay các máy mỏng nhẹ thì bỏ qua đi.
Mẹo kiểm tra khi mua laptop cũ
Dù laptop giá rẻ bây giờ cấu hình cũng đủ chơi game hay làm pts rồi nhưng nhiều người vẫn muốn mua laptop cũ để có cấu hình cao ở mức giá rẻ hoặc có được những laptop độc lạ, không có ở Việt Nam. Thế nhưng mua laptop cũ thì có nhiều rủi ro và không phải ai cũng biết cách kiểm tra máy trước khi mua. Vì vậy tôi sẽ chỉ ra vài điểm mà tôi nghĩ là quan trọng, cần kiểm tra kỹ khi mua lap cũ.
Mới cầm vào thì ai cũng nhìn ngoại hình máy nên chắc không phải nói nhiều. Tôi thì khá dễ dãi với mấy máy xước nhẹ, dán skin là xong. Nhưng nếu vỏ bị móp, nứt hay hở thì bỏ qua. Khả năng cao là bị rơi mạnh rồi nó mới thế. Nhìn cũng mất thẩm mỹ nữa. Nhìn tổng thể 1 lượt rồi thì đóng mở máy thử vài lần xem bản lề có ok không, ấn thử xem có flex không…
Nếu mà ưng mắt rồi thì mở máy lên kiểm tra màn hình. Nếu mua của shop thì người ta hay có phần mềm test màn sẵn cho mình. Nhưng nếu mua qua tay mà các bạn lười hoặc ngại cài lên máy người ta thì có thể lên trang https://www.eizo.be/monitor-test/ để test thử. Ở đây có khá nhiều bài test nhưng chủ yếu là các bạn dùng cái Defective Pixels để check xem có bị chết điểm nào không. Nếu mà có điểm chết thì không nên mua vì sau này chỉ có thay màn thôi chứ không chữa được. Còn nếu mua máy có màn cảm ứng thì thử dùng tay giữ 1 file xong kéo nó đi khắp màn hình xem có bị rớt lại chỗ nào không. Nếu có thì thử kéo qua kéo lại khu vực đấy xem nếu nó cứ rớt liên tục thì là hỏng cảm ứng rồi.
Test xong màn thì chúng ta test đến phím. Tôi hay test trên trang https://www.keyboardtester.com/. Vào trang đó xong ấn Launch the Tester. Sau đó thử bấm từng nút xem có nút nào không nhận không. Mấy nút như shift, ctrl, alt mà nó có 2 nút 2 bên thì hãy test cả 2 nút vì phần mềm nó không phân biệt được mình đang ấn nút bên nào.
Touchpad thì chỉ cần thử di khắp nơi xem có bị nhảy lung tung không. Nếu touchpad cảm ứng được đa điểm thì test cả chức năng đấy nữa. Chuột trái phải với chuột giữa thì ấn thử nhiều lần xem có nhận tốt không.
Để test cổng kết nối thì tốt nhất là mang theo đủ các thiết bị cần thiết và cắm thử vào từng cổng. Nếu mua ở cửa hàng thì người ta sẽ có thôi nhưng mua qua tay thì nên chuẩn bị kỹ mấy cái này kẻo mua về mới biết hỏng thì phiền.
Muốn test loa thì các bạn vào control panel, chọn Hardware and Sound rồi vào Sound. Chuột phải vào hình Speakers rồi chọn Test. Nó sẽ lần lượt mở tiếng 2 bên loa trái và phải. Để yên tâm hơn thì có thể mở bài hát nào đấy ở mức loa 100% xem có rè không. Với win 10 thì có thể vào settings, chọn System rồi vào mục Sound. Ở bên dưới sẽ cho phép bạn test thêm mic nữa. Thử nói gì đó hay tặc lưỡi xem mic có nhận không.
Để test pin thì tôi thường dùng batterymon vì nó trực quan. Cứ rút sạc ra rồi mở phần mềm lên là thấy dung lượng pin tối đa thực tế so với dung lượng tối đa của cục pin khi xuất xưởng. Với khi test thì thử dùng lâu lâu chút xem có bị sụt pin bất ngờ không. Nếu đang dùng mà đột nhiên tụt vài chục % pin thì là do chết cell rồi.
Muốn test ổ cứng thì có thể dùng CrystalDiskInfo để xem tình trạng ổ, số giờ hoạt động, số lần khởi động.
Webcam thì không quan trọng mấy nhưng vẫn nên test bằng cách thử video call cho ai đó hoặc dùng phần mềm camera có sẵn của win 10.
Cấu hình thì thường là chúng ta đòi bên bán show từ trước khi đi check rồi nhưng nếu muốn kiểm tra lại thì có thể ấn Window+R và gõ dxdiag rồi enter để kiểm tra. Không thì có thể ấn Ctrl+Shift+Esc rồi vào Performance để kiểm tra cũng được. Thường thì mấy cái chip, card này nó chả bao giờ bị hao mòn gì đâu. Ngày xưa card rời lỗi xong người ta mang đi thay dẫn đến hiệu năng không ổn định mà giờ chắc không còn ai làm thế nữa. Nhưng nếu được thì các bạn có thể dùng furmark hoặc thử chơi game để test xem hiệu năng nó có ổn định không.
Nguồn: Group Photoshop